Dù vậy, IDC nhận định rằng cả hai thị trường này sẽ đều giảm tốc vào năm 2018, khi tốc độ tăng trưởng qua từng năm tụt xuống dưới ngưỡng 10%. Tất nhiên là từ nay cho đến khi đó, các nước đang phát triển vẫn tăng trưởng nhanh hơn nhiều lần so với các thị trường đã ổn định.

Theo định nghĩa của IDC thì các thị trường đã phát triển bao gồm Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Đà tăng trưởng của các thị trường này sẽ được duy trì nhờ vào công sức của Apple, mà cụ thể hơn là nhờ những phiên bản iPhone cỡ lớn. "Với việc Apple chính thức nhập cuộc chơi smartphone màn hình to, sức cầu của người dùng đang tăng lên rõ rệt. Apple có đủ khả năng để lôi kéo người dùng ở các thị trường phát triển lên đời máy mới, bất chấp guồng quay của thị trường có chậm lại trong vài quý gần đây", các chuyên gia của hãng này phân tích.

Khả năng tạo ra doanh số cao ở những thị trường có sức ì lớn như Mỹ là một năng lực mà theo IDC, chỉ có thể bắt gặp ở Apple tại thời điểm này.

Đối với nền tảng đối thủ chính của iOS lúc này là Android, IDC cho rằng việc có hơn 150 hãng điện thoại hậu thuẫn đã giúp Android nhanh chóng gia tăng thị phần ở các thị trường mới nổi. Việc Android nới lỏng rất nhiều yêu cầu khắt khe về cấu hình phần cứng và phần mềm đã giúp nhiều sản phẩm giá rẻ có điều kiện đáp xuống thị trường, dù không ít mẫu điện thoại trong số đó sẽ bị các thương hiệu cao cấp như Apple coi là "đồ rác". Đặc biệt, khi công bố nền tảng siêu rẻ Android One mới đây, Google hi vọng có thể tiếp tục đặt ra những quy chuẩn mới về sự bình dân để các hãng phần cứng có thể đi theo. Giá bán của những smartphone Android One có thể xuống dưới ngưỡng 100 USD.

Xu hướng này rất khó đảo ngược trong những năm tới, đồng nghĩa với việc Apple sẽ là hãng độc chiếm phân khúc cao cấp nhờ sự thành công của iPhone, trong khi Android tiếp tục tung hoành ở phân khúc bình dân, giá rẻ.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)