Vinaphone giờ là trụ cột chính mang lại doanh thu, lợi nhuận cho VNPT. Ảnh: Sơn Hà.

Không còn sở hữu mạng di động đầu tiên do mình gây dựng - lại là nhà mạng giữ nhiều cái "nhất" trên thị trường (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao nhất, thu nhập bình quân của người lao động/năm cao nhất, đứng thứ nhất về chất lượng, nộp thuế cao nhất), VNPT buộc phải tự thay đổi nếu như không muốn tiếp tục tụt hậu.

"Hạ" chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận

Với các tập đoàn viễn thông lớn như VNPT và Viettel, kinh doanh di động là lĩnh vực chủ chốt. Với VNPT, MobiFone chiếm 1/3 tổng doanh thu, khoảng 70% tổng lợi nhuận. Từ ngày 1/7, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ bàn giao MobiFone về Bộ TT-TT, VNPT đã giảm chỉ tiêu kinh doanh, cụ thể kế hoạch đầu năm 2014 của VNPT (có cả doanh thu của MobiFone) dự kiến đạt hơn 120.000 tỉ đồng, nay điều chỉnh xuống còn 86.000 tỉ đồng, lợi nhuận (kế hoạch gần 10.000 tỉ đồng) giảm xuống còn 2.600 tỉ đồng.

"Trụ cột chính" đem lại doanh thu, lợi nhuận lớn cho VNPT giờ chỉ còn Vinaphone. Nhiều năm trước đây, Vinaphone là nhà mạng có vùng phủ sóng và thuê bao lớn nhất. Tuy nhiên, khi thị trường di động cạnh tranh quyết liệt, Vinaphone đã mất dần vị trí và hiện đứng thứ 3. Khi đề án tái cơ cấu được phê duyệt, không ít quan điểm cho rằng đó cũng là cách tốt nhất để VNPT tập trung phát triển, để Vinaphone phát triển mạnh, giữ thế "chân vạc" với hai nhà mạng Viettel, MobiFone. Nhưng với VNPT, bên cạnh nhiệm vụ tập trung nguồn lực cho Vinaphone, VNPT còn phải tổ chức lại hoạt động của các đơn vị, phòng ban theo đề án đã được phê duyệt; xử lí nhiều DN làm ăn thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả (khoảng vài chục DN) và một số vấn đề khác. Đó là những thách thức không nhỏ.

Thay đổi triệt để

Không ít ý kiến cho rằng nếu VNPT thực hiện tái cơ cấu sớm hơn, từ vài năm trước đây (ít nhất là cùng với thời điểm các tập đoàn FPT, Viettel thành lập các DN kinh doanh riêng, quản lí hạ tầng riêng) thì không bị mất vị trí số 1 như hiện nay.

Về quan điểm này, lãnh đạo Tập đoàn VNPT chia sẻ cho rằng đánh giá này có thể đúng, nhưng với VNPT "chậm" như hiện nay là phù hợp. Bởi, đầu tiên là vấn đề công nghệ: Cách đây 3 năm, hầu như chưa ai nói tới dịch vụ OTT, nhưng khi nó xuất hiện (từ năm 2012) đã làm thay đổi nhận thức của cả thế giới.

Nếu như trước đây, nói đến hạ tầng mạng lưới sẽ phải nhắc đến tổng đài, truyền dẫn, nhưng nay khái niệm "OTT" đã định nghĩa lại đó là không cần tổng đài…, chỉ cần hoạt động trên môi trường internet. OTT đã tác động đến các DN viễn thông là phải có mô hình dựa trên sự hội tụ IT (công nghệ thông tin). Công nghệ thay đổi đã tác động mạnh đến hoạt động và hiệu quả của DN, từ đó buộc đội ngũ VNPT phải nhìn lại mình và xác định "mình" đang ở đâu. Đề án tái cơ cấu được phê duyệt đồng thời với sự "chín muồi" về công nghệ về nhận thức - là điều kiện quan trọng để tập đoàn có những thay đổi căn bản, quyết liệt, triệt để.

Theo Hà Nội Mới.




Bình luận

  • TTCN (0)