Thông tin đưa ra tại cuộc họp gần đây ở Bộ TT&TT cho biết, ngân sách dành cho quảng cáo ở Việt Nam năm 2016 ước khoảng 1,5 tỉ USD, trong đó riêng quảng cáo trên môi trường số chiếm 60% ngân sách dành cho quảng cáo ở Việt Nam. Quảng cáo trên môi trường số đang đe dọa và cạnh tranh rất mạnh với quảng cáo truyền thống.

Tuy nhiên, trên thực tế thì quảng cáo trên môi trường số không thực sự hiệu quả như người ta tưởng. Theo đại diện WPP, hãng truyền thông đại diện cho 6 agency truyền thông lớn nói rằng: "Google và Facebook đưa ra thuật toán thay thế cho con người, làm cho quảng cáo trên mạng không thật 100%, các kênh treo quảng cáo cũng không được tối ưu như quảng cáo truyền thống. Càng ngày quảng cáo trên môi trường số càng cho thấy nó thực sự không hiệu quả như nhiều người vẫn nghĩ”.

Các nhà quản lí còn cảnh báo các nhãn hàng tại Việt Nam phải kiểm soát để hình ảnh quảng cáo của mình không xuất hiện ở các trang web vi phạm bản quyền. Theo thống kê có 73 trang web phát phim không bản quyền, sống nhờ các nhãn hàng quảng cáo, thông qua mạng quảng cáo của Google, nhưng các nhãn hàng này cũng không biết rằng họ đang vi phạm pháp luật.

Việc quản lí để quảng cáo của các nhãn hàng không xuất hiện ở những kênh có nội dung xấu không phải vấn đề của riêng Việt Nam. Gần đây, Bộ TT&TT đã có cuộc làm việc với Google, ngay đại diện Google cũng trả lời rằng rất khó có thể kiểm soát hết nội dung mà người dùng Internet đăng lên mạng, vì cứ mỗi phút trôi qua là có thêm 400 giờ clip tung lên mạng. Việc Google dùng từ khóa để chặn lọc không hiệu quả, số lượng video up lên mạng quá nhiều và Google không quản lí được vì những video có nội dung xấu được xếp vào các nhóm giải trí nên đã qua mặt thuật toán Google.

Theo đại diện WPP, các nhà quảng cáo luôn cam kết với khách hàng (là các đơn vị, nhãn hàng) khi quảng cáo trên phương tiện nào đều đảm bảo phải an toàn cho khách hàng, trong môi trường tuân thủ pháp luật, yêu cầu các nội dung phải đảm bảo đúng chất lượng, không ảnh hưởng vấn đề về chính trị, game, sex. Có nghĩa là khi quảng cáo cho khách hàng phải chọn đúng đối tượng trong môi trường an toàn. Tuy nhiên, mạng xã hội là nơi những người sử dụng gặp nhau trên đó nên để quản lí nội dung phức tạp hơn nhiều so với quảng cáo truyền thống.

Theo đại diện WPP, không riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, CEO WPP yêu cầu Google phải đưa ra được công nghệ hiện đại nhất đảm bảo môi trường online lành mạnh nhất, an toàn cho khách hàng hàng quảng cáo. Tại Việt Nam, vai trò WPP rất quan trọng bởi vì doanh thu WPP chiếm 58% tổng doanh thu thị trường quảng cáo ở Việt Nam.

Đại diện các nhãn hàng lớn như VinaMilk, Vinhomes, Ford Việt Nam, các công ty quảng cáo hàng đầu như WPP, MindShare, Sun Group, Daiko Việt Nam đều cam kết tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh và quảng cáo. Đại diện các đơn vị này đều khẳng định, hiện tại đã tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube. Đồng thời, yêu cầu Google phải có giải pháp để đảm bảo quảng cáo của các nhãn hàng này không xuất hiện trên những video có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, khi đó các nhãn hàng mới xem xét việc tiếp tục quảng cáo trên YouTube.

Trong tuần qua, liên tục Chính phủ Anh, Đức và nhiều nước châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về quảng cáo trên môi trường số có thể vô tình tài trợ cho các thế lực khủng bố, gây hằn thù dân tộc thông qua chính sách ăn chia tiền quảng cáo cho các trang web có nội dung phản động, cung cấp thông tin sai sự thật, các trang web cung cấp các nội vi phạm bản quyền. Nhiều nhãn hàng lớn của Anh, Mỹ đã tuyên bố tẩy chay ngừng quảng cáo trên Google vì quảng cáo của họ xuất hiện ở những video có nội dung xấu.

Gần đây, Google cũng công bố chính sách sẽ cải tổ lại khâu kiểm duyệt nội dung sau khi hàng loạt các nhãn hàng lớn rút quảng cáo khỏi YouTube.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)