Việc Samsung có sao chép Apple hay không vẫn là tranh cãi lớn

Reuter đưa tin, tòa án Tối cao Mỹ vào ngày thứ Ba (6/12) đã đứng về phe Samsung trong vụ kiện khổng lồ đối đầu Apple. Trước đó, phiên tòa phúc thẩm tuyên bố Samsung phải bồi thường 399 triệu USD tiền phạt cho Apple vì đã sao chép thiết kế của iPhone.

Tòa án tối cao đã bác bỏ quyết định này, chuyển vụ án về cấp thấp hơn để tiếp tục xử lí. Quyết định trên cho Samsung cơ hội đòi lại số tiền khổng lồ họ đã trả cho Apple vào tháng 12.

Số tiền được chi trả sau khi thẩm phán quyết định vào tháng 12 rằng Samsung đã xâm phạm bằng sáng chế của iPhone và bắt chước vẻ ngoài đặc trưng thông qua dòng Galaxy cũng như các thiết bị khác.

Tòa án cho rằng tổ chức vi phạm bản quyền không nhất thiết phải trả lại toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh các sản phẩm dùng thiết kế sao chép, nếu họ chỉ sao chép vài phần tử, chứ không phải toàn bộ.

Quyết định này theo sau cuộc chiến khốc liệt giữa hai tên tuổi di động hàng đầu thế giới từ 2011. Khi đó, Apple kiện Samsung sao chép các công nghệ và vẻ ngoài thương hiệu của iPhone. Đây là một trong những vụ kiện bản quyền được chú ý nhất ở Mỹ nhiều năm qua.

Samsung đã có nhiều cố gắng giành lại 399 triệu trong số 548 triệu USD họ đã trả cho Apple sau quyết định năm 2012 của tòa án. Sau phiên tòa năm 2012, Apple được tuyên bố thắng kiện với 930 triệu USD tiền bồi thường. Tòa Thượng thẩm của Mỹ giữ nguyên quyết định này, nhưng cho rằng vẻ ngoài của iPhone không thể được bảo vệ thông qua thương hiệu.

Do đó, Samsung chỉ phải trả 382 triệu USD. Các tranh cãi xoay quanh việc liệu khái niệm "điều khoản về sản phẩm" (article of manufacture) đang nói đến sản phẩm cuối cùng, hay chỉ là các bộ phận của sản phẩm đó, theo luật bản quyền của Mỹ.

Trong các ghi chép, cả Samsung, Apple và chính phủ Mỹ đều thống nhất khái niệm đó có thể chỉ ám chỉ một phần. Nhưng Apple hối thúc tòa án làm rõ vấn đề này, vì Samsung không có bằng chứng các "sản phẩm" của họ trong vụ việc này chỉ là các phần bên trong.

Ảnh
Đây là một trong những vụ kiện kéo dài nhất trong lịch sử làng công nghệ

Trong khi đó, Samsung cho rằng họ không cần trưng ra các bằng chứng đó. Thẩm phán Sonia Sotomayor viết rằng luật bản quyền quy định rất rõ ràng rằng "thuật ngữ 'article of manufacture' bao gồm cả sản phẩm bán đến tay người dùng cuối hoặc một bộ phận bên trong sản phẩm đó".

Samsung trả cho Apple 548 triệu USD vào tháng 12/2015, nhưng tiếp tục mang vụ việc lên tòa án tối cao. Theo đó, họ cho rằng mình không phải trả 399 triệu USD cho cáo buộc sao chép các thiết kế mặt trước cong 4 góc, viền và các lưới biểu tượng nhiều màu sắc chứa đựng ứng dụng, chương trình.

Apple cho rằng thành công của iPhone gắn liền với thiết kế tân tiến, nhiều nhà sản xuất khác "học tập" nhanh chóng trên sản phẩm của họ. Cụ thể, Samsung đã "chủ tâm" sao chép vẻ ngoài và nhiều tính năng người dùng của iPhone.

Ảnh
Giao diện của sản phẩm hai bên mang nhiều nét tương đồng

Samsung cho rằng họ không cần phải bồi thường tất cả lợi nhuận từ các thiết bị "xâm phạm" bản quyền Apple, rằng các phần tử đó chỉ đóng góp một phần trong sản phẩm tổng thể, vốn bao hàm hàng nghìn tính năng được bảo vệ bản quyền.

Tòa án tối cao đã có phiên chất vấn cả hai vào ngày 11/10, đây là vụ việc đầu tiên liên quan đến bản quyền mà tòa tối cao thụ lí trong vòng 120 năm qua.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)