Bà Tuula Rytilä, Phó Chủ tịch Marketing mảng điện thoại của Microsoft tại văn phòng của Microsoft Việt Nam, Quận 1, TP.HCM.

Trang phục đơn giản, phong thái tự tin, bà Tuula Rytilä, Phó Chủ tịch Marketing mảng điện thoại của Microsoft đã có một buổi nói chuyện ngắn với báo chí tại TP.HCM ngày 29/10. Khác với Stephen Elop, lần đến Việt Nam lần này của bà Tuula Rytilä có thể coi như một sự "thăm dò" hoàn toàn mới của Microsoft nhằm kế thừa những gì mà Nokia đã gầy dựng trước đó tại thị trường hơn 80 triệu dân.

Trong buổi trò chuyện, nữ lãnh đạo gốc Phần Lan chia sẻ nhiều hơn về nhận định của mình về thị trường, hé lộ một vài mục tiêu của Microsoft tại Việt Nam và khéo léo né tránh những câu hỏi về mối quan hệ với những đối tác như Google, Facebook.

Là người đến từ Nokia và nắm cương vị mới tại Microsoft, bà đánh giá như thế nào về thị trường Việt Nam?

- Tôi rất thích Việt Nam và đây cũng là thị trường ưa thích của chúng tôi. Trong quá khứ chúng tôi đã tạo nên một “di sản Nokia” khá đậm chất tại đây. Đây là một thị trường lớn có tốc độ phát triển rất mạnh và còn rất nhiều khoảng trống để khai phá. Chúng tôi nhận thấy rằng ai cũng có điện thoại nhưng không phải ai cũng có smartphone. Vì vậy, đây là thị trường rất quan trọng, và quan trọng nhất với Microsoft.

Khác biệt cơ bản giữa những gì Nokia đã làm trong quá khứ và những gì Microsoft Devices sẽ làm tại Việt Nam?

- Điều phấn khởi là chúng tôi muốn duy trì những điều tốt đẹp mà Nokia đã từng làm trước đây và xây dựng thêm trên nền tảng sẵn có này. Có nhiều điều mới mẻ để bắt tay vào khi Microsoft tiếp quản lại mảng di động của Nokia. Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thiện hơn những phần mềm như Skype, OneDrive,… tăng chất lượng camera và video để mang lại trải nghiệm tốt hơn khi chat có hình. Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với Qualcomm để mang đến vi xử lí tốt hơn trên các thiết bị của mình. Người tiêu dùng vẫn được hưởng những chính sách hậu mãi tốt từ Microsoft.

Vậy chiến lược của Microsoft Devices tại Việt Nam sẽ ra sao?

- Trên thế giới, chúng tôi đang ưu tiên phát triển theo hướng "Mobile firts” và “Cloud first”, bên cạnh những mảng sản phẩm đem lại nhiều doanh thu như phần mềm, máy tính,.... Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ ưu tiên “mobile first”, tức là tất cả các giải pháp đều tập trung hướng đến người dùng thiết bị di động.

Như bà đã nói, Nokia đã có một thứ “di sản” tại Việt Nam, nhưng khi chuyển đổi thương hiệu sang Microsoft Lumia, hãng sẽ làm gì để cái tên này thân thiện hơn với người dùng?

- Chúng tôi cũng đã thực sự nghiêm túc nhìn nhận về vấn đề này. Nokia đã để lại một thứ “di sản” tại Việt Nam với thương hiệu và sản phẩm được yêu mến. Trên bình diện toàn cầu thì thương hiệu Microsoft cũng được biết đến rất nhiều và sánh ngang với những thương hiệu hàng đầu và trong tâm trí của nhiều người, Microsoft biểu hiện cho những thứ chuyên nghiệp. Tôi nghĩ thương hiệu “Lumia” (còn hiện diện trong tên gọi “Microsoft Lumia”) sẽ giúp người dùng nhận diện ra một sản phẩm đã từng gắn mác hãng điện thoại Phần Lan.

Đến khi nào Microsoft sẽ hoàn thiện “hệ sinh thái” của mình để các thiết bị làm việc với nhau được xuyên suốt hơn, giống như những gì mà Apple đã và đang thực hiện?

- Microsoft cũng sẽ xây dựng "một hệ sinh thái” (eco System) cho các thiết bị dùng Windows Phone và Windows 10 (sẽ phát hành trong năm 2015). Vì hai nền tảng này sở hữu một phong cách thiết kế giao diện thống nhất, nên người dùng có thể sử dụng tốt ngay trên màn hình điện thoại kích cỡ vài inch cho đến những thiết bị có màn hình lên đến 80 inch. Các thiết bị sẽ cùng lưu trữ dữ liệu trên một đám mây, người dùng có thể tạo văn bản trên laptop và có thể tiếp tục chỉnh sửa nó trên smartphone.

Microsoft có dự định sản xuất những thiết bị Lumia cao cấp tại Việt Nam hay không?

- Chỉ một thời gian ngắn nữa bạn sẽ thấy cả featurephone lẫn smartphone Lumia cao cấp đều được sản xuất tại Việt Nam chứ không riêng hai model tầm thấp là Lumia 530 và Lumia 630 như hiện nay. Chúng tôi đang tiến hành dời nhà máy từ Hungary, Trung Quốc về Việt Nam. Nhà máy tại Bắc Ninh sẽ dần được cung cấp thêm nhiều trang thiết bị, dây chuyền sản xuất để tăng trưởng về quy mô cũng như mức độ phức tạp của sản phẩm.

Theo Zing.



Bình luận

  • TTCN (0)